119. Cơ hội bị bỏ lỡ của Trung Quốc ở Israel

THE NATIONAL INTEREST by  Mordechai Chaziza – October 15, 2023

Ba Sàm lược dịch

Sự vắng mặt tương đối của Bắc Kinh trong cuộc xung đột Israel-Hamas có thể cản trở tham vọng của nước này trong khu vực.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định mình là trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột ở Trung Đông hiện đang bị nghi ngờ. Đặc biệt có thể được xem xét kỹ lưỡng là việc Bắc Kinh thiếu hành động cụ thể, sau cuộc xung đột Israel-Hamas vốn đang được quan tâm theo dõi. Điều này có thể gây ra những hậu quả trước mắt và lâu dài đối với vị thế của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông rộng lớn hơn. Việc thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và hành động cụ thể sẽ rất quan trọng trong vai trò như là một nhà trung gian hòa giải của Trung Quốc trong khu vực.

Trong những năm gần đây, ngoại giao hòa giải đã nổi lên như một trong những trụ cột trung tâm trong các mục tiêu và thực tiễn chính sách đối ngoại của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh cố tình định vị mình là một nhà kiến tạo hòa bình ở Trung Đông. Cách tiếp cận này phù hợp với các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Trung Quốc, bao gồm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, thúc đẩy quan hệ kinh tế và định vị mình là một bên tham gia có trách nhiệm trên trường quốc tế. Đầu năm nay, Trung Quốc đã làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran, mà nhiều người ca ngợi là một bước đột phá ngoại giao. Nó báo hiệu mong muốn của Bắc Kinh trở thành một cường quốc ngoại giao ở Trung Đông – một khu vực có truyền thống bị quyền lực của Mỹ thống trị. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, cho biết nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết “các vấn đề điểm nóng” toàn cầu.

Trong nhiều thập kỷ, nhiều bên tham gia trên trường toàn cầu và khu vực đã can thiệp, ở giai đoạn này hay giai đoạn khác, vào các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là xung đột Israel-Palestine, với tư cách là những nhà môi giới hòa bình. Hoa Kỳ, EU, Nga, các cường quốc trong khu vực (ví dụ như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia) và các tổ chức quốc tế lớn đều đã cố gắng nhưng không đạt được thành công đáng chú ý nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh lâu dài trong khu vực. Là cường quốc và kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc, không giống như các cường quốc phương Tây hay Nga, không mang theo hành trang tôn giáo, chính trị, lịch sử hoặc thuộc địa, khiến nó trở thành một ứng cử viên phù hợp để phá vỡ bế tắc trong các cuộc xung đột trong khu vực và đóng vai trò là “nhà môi giới trung thực”. Sự tham gia của Trung Quốc có thể mang lại một viễn cảnh mới mẻ và những đóng góp tiềm năng cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả của nó sẽ phụ thuộc vào khả năng xử lý các vấn đề phức tạp và có gốc rễ sâu xa, giành được sự tin tưởng của tất cả các bên liên quan và tránh bị coi là theo đuổi lợi ích thuần túy riêng mình.

Bắc Kinh háo hức trở nên liên quan nhiều hơn vào các cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là xung đột Israel-Palestine. Trung Quốc có lịch sử lâu dài về quan hệ hữu nghị với Palestine. Kể từ khi thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine vào năm 1964, Trung Quốc đã công nhận Nhà nước Palestine và tích cực hỗ trợ người Palestine. Bắc Kinh đã ủng hộ chính nghĩa của người Palestine trên các diễn đàn quốc tế, luôn ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước. Năm 2023, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Chính quyền Palestine, nhấn mạnh cam kết tăng cường quan hệ với Palestine.

Cùng lúc đó, các quan hệ Trung Quốc-Israel đã phát triển và được tăng cường. Ngày nay, chúng đặc biệt nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, hợp tác học thuật và du lịch, và vào năm 2017, hai bên đã ký kết “quan hệ đối tác toàn diện”. Mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh đối với Israel là công nghệ tiên tiến và họ coi Israel là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ và đổi mới trong an ninh mạng, nông nghiệp sinh học và công nghệ xanh. Vị trí địa lý của Israel khiến nước này trở thành một nút tiềm năng trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Đối với Israel, sức hấp dẫn của Bắc Kinh không chỉ nằm ở nền kinh tế rộng lớn mà còn bởi Israel tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đầu tư khỏi Mỹ và châu Âu. Trung Quốc (không bao gồm HongKong) trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Israel (21 tỷ USD trong thương mại hai chiều), sau Liên minh châu Âu (48,5 tỷ USD vào năm 2022) và Hoa Kỳ (22 tỷ USD vào năm 2022). Năm 2021, Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nguồn nhập khẩu quan trọng nhất của Israel. Để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình, Israel đã bổ sung đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào lượng nắm giữ của ngân hàng trung ương, vào tháng 4 năm 2022, trong khi giảm lượng nắm giữ bằng đồng đô la và đồng euro. Hai nước dự kiến sẽ sớm ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã liên tục tìm kiếm cơ hội để thể hiện hình ảnh của một nhà môi giới hòa bình trong cuộc xung đột Israel-Palestine, thông qua các kế hoạch hòa bình và diễn ngôn hoa mỹ mà không đặt nặng vấn đề thực sự đằng sau chúng. Do đó, vai trò hòa giải của Trung Quốc là một phần trong chiến lược quản lý xung đột được hoạch định cẩn thận, phù hợp với khuôn khổ chính sách không can thiệp của nước này. Cách tiếp cận này, thay vì giải quyết xung đột, đã mang lại lợi ích cho Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ qua. Do đó, nỗ lực hòa giải của Trung Quốc trong cuộc xung đột Israel-Palestine chủ yếu nhằm mục đích quản lý xung đột mang tính xây dựng hơn là hóa giải xung đột. Việc Bắc Kinh không thể đảm bảo những lời hứa của mình bằng những hành động cụ thể có thể cho thấy sự thiếu sẵn sàng hoặc thiếu khả năng tác động đến tình hình ở Trung Đông. Về lâu dài, mô hình dai dẳng này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Trung Quốc với tư cách là nhà môi giới hòa bình đáng tin cậy. Chính sách không can thiệp lâu đời của Bắc Kinh đôi khi có thể xung đột với mục tiêu chứng tỏ vị thế cường quốc của nước này.

Phản ứng của Trung Quốc trước cuộc tấn công khủng bố của Hamas

Vào ngày 7 tháng 10, tổ chức khủng bố Hamas của Palestine đã phát động các cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn vào Israel. Hamas đã bắn hàng nghìn quả tên lửa từ Gaza và cử chiến binh đến giết chóc và bắt cóc binh lính và dân thường. Ít nhất 1.300 người Israel thiệt mạng, hơn một trăm con tin bị bắt cóc, bao gồm cả trẻ em và người già, và hơn 3.000 người bị thương sau khi hàng chục chiến binh Palestine xâm nhập Israel từ Dải Gaza bằng đường bộ, đường biển và đường không. Israel tiến hành không kích vào Gaza; ít nhất 2.600 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 9.000 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Chúng ta đang có chiến tranh. Không phải một ‘chiến dịch’, không phải một ‘trận’, mà là đang trong tình trạng chiến tranh”, đồng thời nói thêm rằng “kẻ thù sẽ phải trả một cái giá chưa từng có”.

Bạo lực bùng phát giữa Israel và Gaza thách thức nỗ lực hòa giải của Trung Quốc ở Trung Đông. Bắc Kinh đã cố gắng khẳng định mình là một nhà hòa giải tiềm năng trong khu vực và cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ các phản ứng của nước này trước những cuộc khủng hoảng như vậy. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, EU và phần lớn châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đã đưa ra tuyên bố lên án hành động khủng bố của Hamas và bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel. Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với các cuộc tấn công không đề cập đích danh nhóm chiến binh này, thay vào đó kêu gọi giảm căng thẳng, bảo vệ dân thường và thực hiện giải pháp hai nhà nước. Phản ứng của họ không phải là lên án Hamas vì một loạt hàng động điên cuồng dẫn đến giết hại thường dân và bắt cóc con tin, bao gồm cả trẻ em và người già: “Trung Quốc quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng và bạo lực hiện nay giữa Palestine và Israel. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh, kiềm chế và ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch để bảo vệ dân thường và tránh làm tình hình xấu đi thêm”.

Bộ Ngoại giao và các quan chức Trung Quốc tiếp tục thực hiện quan điểm này trong suốt tuần: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh, kiềm chế và ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch để bảo vệ dân thường và tránh tình hình xấu đi thêm”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vào Chủ nhật tuần trước về “sự leo thang căng thẳng và bạo lực giữa Palestine và Israel.” Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Zhang Jun, cùng với đại diện của Nga, đã ngăn cản việc Hội đồng Bảo an chính thức lên án Hamas và nói: “Trung Quốc lên án mọi hành vi bạo lực và tấn công nhằm vào dân thường ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine”. Tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết Trung Quốc “phản đối và lên án các hành động làm hại dân thường” và cho biết ưu tiên hàng đầu là “chấm dứt thù địch và khôi phục hòa bình càng sớm càng tốt”.

Israel thất vọng trước phản ứng của Bắc Kinh, cho thấy ít thiện cảm hay ủng hộ đối với người dân Israel trong thời kỳ bi thảm này. Các nhà ngoại giao Israel tại Trung Quốc đã kêu gọi việc lên án mạnh mẽ hơn đối với Hamas, “Khi người dân đang bị sát hại, tàn sát trên đường phố, đây không phải là lúc kêu gọi giải pháp hai nhà nước”. Cuộc khủng hoảng hiện nay đặt ra câu hỏi liệu điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò của Bắc Kinh với tư cách là nhà kiến tạo hòa bình mới ở Trung Đông và mối quan hệ của nước này với Israel về lâu dài hay không. Hãy diễn giải những lời của Abba Eban, vị ngoại trưởng huyền thoại của Israel, “Người Trung Quốc không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để mất đi thời cơ đóng vai trò là người kiến tạo hòa bình ở Trung Đông”.

Trước khi xung đột Hamas-Israel bùng nổ, Trung Quốc đã cố gắng thể hiện mình là trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột ở Trung Đông. Phản ứng yếu kém của nước này có thể làm lộ ra tầm ảnh hưởng hạn chế trong khu vực và làm suy yếu hình ảnh nhà môi giới trung thực của nó. Hòa giải hiệu quả trong một khu vực đòi hỏi phải cân bằng các nguyên tắc ngoại giao về không can thiệp và thể hiện cam kết giải quyết xung đột. Sự lên án mơ hồ của Bắc Kinh đối với các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Israel phù hợp với chính sách không can thiệp vào các cuộc xung đột toàn cầu của nước này. Việc Bắc Kinh miễn cưỡng lên án Hamas đã được so sánh với phản ứng của họ đối với cuộc chiến Ukraine. Ở đó, Trung Quốc đã từ chối lên án hành động xâm lược của Nga hay coi đó là một “cuộc xâm lược”. Nó cũng phản ánh giới hạn của các nỗ lực ngoại giao của nước này ở Trung Đông và tái khẳng định ấn tượng rằng Bắc Kinh sẽ không phải là người tạo dựng hòa bình. Bắc Kinh không có nhiều việc phải làm, những nhận định và hành động của họ cho thấy cách tiếp cận ngoại giao hòa giải còn hạn chế.

Hơn nữa, phản ứng của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên; Nền ngoại giao của Trung Quốc từ lâu đã không ưa rủi ro, và cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa Israel và Hamas khiến các nhà ngoại giao của nước này rơi vào tình thế khó khăn, do truyền thống ủng hộ người Palestine, sự cạnh tranh với Mỹ cũng như mối quan hệ của nước này với Nga và Iran. Chắc chắn là Bắc Kinh có thể giải quyết thành công các vấn đề bằng cách làm trung gian cho các thỏa thuận hòa giải (ví dụ như Saudi Arabia và Iran). Tuy nhiên, khi giải quyết xung đột lại là một tình huống rất khác. Do đó, vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông, đặc biệt là với tư cách là người kiến tạo hòa bình, sẽ tiếp tục là chủ đề được xem xét kỹ lưỡng và tranh luận. Khả năng điều chỉnh ngoại giao của nước này, cho phù hợp với các động lực đang phát triển trong khu vực và đảm nhận vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết xung đột, vẫn là một câu hỏi quan trọng đối với các nhà quan sát quốc tế và các bên liên quan.

Israel không mong đợi Bắc Kinh sẽ giải quyết được cuộc xung đột lâu dài với Hamas. Tuy nhiên, họ muốn Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn và hy vọng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng quyền lực của mình để cân nhắc và gây ảnh hưởng đến một số đồng minh ở Trung Đông. Đại sứ Israel Irit Ben-Abba kêu gọi Bắc Kinh tận dụng mối quan hệ chặt chẽ với Iran để kiềm chế Hamas, bằng cách tham gia vào các cuộc đàm phán xung quanh cuộc xung đột. “Chúng tôi thực sự hy vọng Trung Quốc có thể tham gia nhiều hơn vào việc đàm phán với các đối tác thân thiết của mình ở Trung Đông và đặc biệt là Iran”.

Xung đột Hamas-Israel cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của Bắc Kinh với Jerusalem và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn. Trung Quốc từ lâu đã cố gắng giữ lập trường cân bằng, bằng cách ủng hộ tư cách nhà nước của Palestine trong khi vẫn duy trì quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Israel. Bắc Kinh có lý do để cân bằng mối quan hệ của mình với cả hai bên trong cuộc xung đột, qua thương mại song phương với Israel, đạt tổng trị giá khoảng 21 tỷ USD vào năm ngoái và hơn một nửa hàng xuất khẩu sang Trung Quốc là linh kiện điện, bao gồm cả vi mạch. Hoạt động thương mại này với Israel rất quan trọng khi Mỹ kêu gọi các đối tác hạn chế bán công nghệ bán dẫn cho Bắc Kinh. Trong khi Washington dành cho Jerusalem sự thông cảm và hỗ trợ thiết thực cũng như đang gửi các tàu sân bay đến khu vực để ngăn chặn Iran và Hezbollah leo thang, thì phản ứng lỏng lẻo của Trung Quốc có thể phải trả giá trước mắt và lâu dài. Ví dụ, chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo kế hoạch của Thủ tướng Israel Netanyahu có thể đã không thành hiện thực và hai bên có thể sẽ không ký kết một FTA đã được thảo luận trong nhiều năm.

Quan trọng hơn, sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng đã tạo ra tình thế hết sức bấp bênh cho mối quan hệ Trung Quốc-Israel trong tương lai. Israel phải đối mặt với một tính toán rắc rối về địa chính trị và thương mại, với những áp lực mới trong việc quản lý an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Điều đó làm phức tạp thêm những nỗ lực của nước này nhằm duy trì hành vi phòng ngừa rủi ro trong một số giới hạn nhất định, và buộc nước này phải lựa chọn giữa việc duy trì quan hệ đối tác an ninh với Mỹ hoặc tăng cường hợp tác kinh tế và công nghệ với Bắc Kinh. Washington kỳ vọng Israel, đồng minh thân cận nhất của họ trong khu vực, sẽ tuân thủ các lợi ích chiến lược và lập trường của mình trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Mối quan hệ đặc biệt giữa Israel và Hoa Kỳ bắt nguồn từ các giá trị chung và sự hợp tác sâu sắc và thực chất trên mọi lĩnh vực, từ quân sự, an ninh đến ngoại giao và thương mại. Trong lúc khó khăn, những người bạn thật sự bộc lộ mình qua hành động. Xung đột Hamas-Israel có thể coi là bài học cho các nước ở Trung Đông khi suy nghĩ về mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

Tiến sĩ Mordechai Chaziza là giảng viên cao cấp tại Khoa Chính trị và Quản trị và Nghiên cứu đa ngành về khoa học xã hội, tại Trường Cao đẳng Học thuật Ashkelon (Israel) và là Nghiên cứu viên tại Khoa Nghiên cứu Châu Á, Đại học Haifa, chuyên về quan hệ đối ngoại và chiến lược của Trung Quốc.



2 bình luận cho “119. Cơ hội bị bỏ lỡ của Trung Quốc ở Israel”

  1. […] 119. Cơ hội bị bỏ lỡ của Trung Quốc ở Israel […]

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia