339. Mỹ có thực sự muốn Ukraine thắng Nga hay không?

Newsweek by David Brennan – Nov 26, 2023

Ba Sàm lược dịch

Mùa chiến đấu năm 2023 của Ukraine sắp kết thúc dưới đám mây mù của những kỳ vọng không được đáp ứng. Những người lính và người dân của họ, những người đang tự rèn luyện trước một cuộc tấn công chớp nhoáng vào mùa đông của Nga, sẽ không được sưởi ấm bởi những ký ức về thành công trong mùa hè – chiến dịch phản công được chờ đợi từ lâu của Kyiv đã không đạt được bước đột phá cần thiết, để đánh lui sự chiếm đóng của Moscow ở miền nam đất nước.

Tổng thống Volodymyr Zelensky và tư lệnh cấp cao, Tướng Valerii Zaluzhnyi, đã thừa nhận những thiếu sót của Ukraine. “Rất có thể sẽ không có bước đột phá sâu rộng và tốt đẹp nào”, Zaluzhnyi nói trong một cuộc phỏng vấn với The Economist hồi đầu tháng này. Trong khi đó, Zelensky nói với người dân rằng “mọi sự chú ý nên tập trung vào phòng thủ”.

Khi Kiev nỗ lực duy trì khối liên minh phương Tây của mình, thì những rạn nứt căng thẳng đang hình thành. Ở châu Âu, một làn sóng chủ nghĩa dân túy cánh hữu có nguy cơ làm chệch hướng thể chế chính trị của lục địa này, trong khi ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang bước vào một cuộc tái tranh cử khốc liệt với một Đảng Cộng hòa vốn bị cựu Tổng thống Donald Trump dọa nạt và chuyển sang công khai với chủ nghĩa hoài nghi về Ukraine.

Một điệp khúc phổ biến kể từ tháng 2 năm 2022, là Mỹ đang viện trợ quân sự đủ cho Ukraine để tồn tại, nhưng không đủ để giành chiến thắng. Trong câu nói này, Washington, D.C. lo ngại rằng thất bại chiến lược của Điện Kremlin ở Ukraine có thể gây ra hỗn loạn bên trong biên giới Nga, có thể là cuộc lật đổ Tổng thống Vladimir Putin, và một cuộc đấu tranh khốc liệt trong khu vực nhằm lấp đầy một khoảng trống quyền lực vốn tràn ngập vũ khí hủy diệt hàng loạt. Với thách thức từ Trung Quốc đang rình rập, tình trạng vô chính phủ ở Á-Âu sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới cho Nhà Trắng.

Zelensky dường như đang cảm thấy bức bối. Daniel Vajdich – chủ tịch của Yorktown Solutions và là một trong những nhà vận động hành lang nổi tiếng nhất của Ukraine ở Washington, D.C. – nói với Newsweek: “Có rất nhiều sự thận trọng liên tục đặt ra câu hỏi thực sự ở Kiev, về việc liệu có một mong muốn cho người Ukraine thực sự đánh bại người Nga hay không. Và kết luận là ‘không’.

“Người Ukraine tin rằng bất chấp mọi sự hỗ trợ, mặc dù thực tế là chính quyền đang làm rất nhiều, nhưng vẫn cần hết sức thận trọng vì không có một mong muốn cho người Ukraine dứt khoát đánh bại người Nga, vì nghĩ rằng điều này thực sự sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn nội bộ và sụp đổ ở Nga.”

Newsweek đã liên hệ với văn phòng của Zelensky và Nhà Trắng qua email để yêu cầu bình luận.

‘Thất bại chỉ là một đứa con côi cút’

Các quan chức Mỹ và đồng minh phương Tây đã chỉ trích cách tiếp cận tấn công của Ukraine. Tờ New York Times đưa tin vào tháng 8 rằng các nhà lập kế hoạch Hoa Kỳ cảm thấy lực lượng tấn công của Kyiv quá dàn trải dọc theo mặt trận dài gần 1.000 km, không tập trung đủ hỏa lực vào một điểm để xuyên thủng.

Nhưng đối với nhiều người Ukraine, Mỹ phải chịu một số trách nhiệm về cuộc phản công vẫn chưa có hiệu quả. “Tôi biết ơn Hoa Kỳ với tư cách là người dẫn đầu hỗ trợ cho chúng tôi”, Zelensky nói với CNN vào tháng 7. “Tôi đã nói với họ cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu, rằng chúng tôi muốn bắt đầu cuộc phản công sớm hơn và chúng tôi cần tất cả vũ khí và trang thiết bị cho việc đó. Tại sao? Đơn giản vì nếu chúng tôi bắt đầu muộn hơn, mọi chuyện sẽ diễn ra chậm hơn.”

Vajdich cho biết cảm nghĩ này vẫn còn mạnh mẽ ở Kiev. “Một thực tế qua kinh nghiệm là rất nhiều sự hỗ trợ đã không đến được với người Ukraine nhanh chóng như đáng lẽ nó phải có”, ông nói. “Có những vấn đề về chuỗi cung ứng, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng cũng có một phần của sự hỗ trợ này, cả về chất lượng và số lượng, lẽ ra đã có thể đến với người Ukraine sớm hơn rất nhiều.”

“Nó đã có tác động mang tính quyết định tình hình trên thực địa…cuộc tấn công mùa xuân năm nay sẽ là cuộc tấn công mùa xuân chứ không phải cuộc tấn công tháng 7, điều này đã tạo nên sự khác biệt. Nó cho phép người Nga cố thủ và củng cố khả năng phòng thủ của họ theo đúng nghĩa đen.”

Kyiv đã phải tranh đấu hết mình để có được mọi hệ thống vũ khí mới của NATO. Những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên do Mỹ sản xuất đã đến Ukraine vào tháng 10, hơn 18 tháng kể từ khi các đoàn xe bọc thép của Nga tràn qua biên giới Ukraine. Kyiv vẫn đang thúc đẩy phiên bản tầm xa nhất của Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội MGM-140 – được gọi là ATACMS, và các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất dự kiến sẽ không xuất hiện cho đến đầu năm 2024.

Những lá cờ trên Quảng trường Độc lập, mỗi chiếc vinh danh một người lính hy sinh trong chiến tranh. ẢNH: LIBEROV/LIBKOS/GETTY

Ukraine đang chiến đấu trong một cuộc chiến sinh tồn cho dân tộc. Tuy nhiên, Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã nói rõ rằng liên minh phương Tây mang trọng trách với sự sinh tồn cho toàn cầu. “Chúng ta chưa phải đối mặt với viễn cảnh Ngày tận thế (Armageddon) kể từ Kennedy và cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba”, Biden nói vào tháng 10 năm 2022.

Nhà Trắng ủng hộ cách tiếp cận từng bước đối với viện trợ quân sự cho Kiev. Các quan chức cảnh báo rằng nếu nó đến quá sớm có thể dẫn tới sự leo thang nguy hiểm từ phía Nga. Các đối tác phương Tây cũng nêu lên sự cần thiết của tình trạng mơ hồ về mặt chiến lược và yếu tố bất ngờ. Các cuộc tấn công thực tế vào các vị trí của Nga thường là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Ukraine đã nhận được một số hệ thống vũ khí nhất định của NATO.

Tuy nhiên, kiểu viện trợ từng bước một của phương Tây đã gây nên sự thất vọng. Steven Moore – từng từng đứng đầu bộ phận hành chính của cựu phó chánh văn phòng Đảng Cộng hòa, Hạ nghị sĩ Pete Roskam, và hiện đang điều hành Dự án Tự do cho Ukraine ở Kyiv – nói với Newsweek: Người Ukraina tự coi mình là đối tác của chúng ta trong việc tiêu diệt một kẻ thù lâu dài của Mỹ ở Nga.”

 “Chúng ta cung cấp vũ khí, họ cung cấp mạng sống của những người giỏi nhất của họ”, Moore đánh giá. “Người Ukraine không nhận được vũ khí mà chúng ta đã hứa và họ cũng không nhận được vũ khí mà họ cần.”

Điểm uốn của nước Mỹ

Một số người hy vọng mùa đông bắt đầu và mặt trận tương đối tĩnh lặng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình mới. Putin đã nhiều lần nói rằng ông sẵn sàng khôi phục các cuộc đàm phán, mặc dù chỉ với điều kiện Ukraine phải chấp nhận “thực tế lãnh thổ mới” về việc Moscow chiếm đóng khoảng 20% lãnh thổ của Kyiv.

Zelensky đã từ chối các cuộc đàm phán về các điều khoản của Nga và phản đối những ý kiến cho rằng cuộc chiến đã trở nên bế tắc. “Có một vài mưu mẹo quân sự, và bạn hãy nhớ, khu vực Kharkiv đã được giải phóng”, ông nói trong tháng này, đề cập đến thành công bất ngờ của cuộc phản công ở đông bắc Ukraine vào mùa thu năm 2022.

“Chúng tôi không có quyền từ bỏ. Giải pháp thay thế là gì? Cái gì, chúng tôi cần phải cho đi một phần ba đất nước của mình hay sao? Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Chúng tôi biết xung đột đóng băng là gì, chúng tôi đã rút ra kết luận cho chính mình. Chúng tôi cần phải làm việc nhiều hơn với các đối tác về phòng không, khai thông bầu trời, tạo cơ hội cho chiến đấu cơ của chúng tôi thực hiện các cuộc tấn công.”

Zelensky phủ nhận mọi áp lực từ các đối tác phương Tây để quay lại bàn đàm phán. Vajdich cho biết ông cũng không thấy có sự ép buộc nào cả. “Nhưng nếu nó tồn tại hoặc nếu đây là điều mà một số nhà lãnh đạo phương Tây đang nghĩ mà không hành động, thì điều họ cần làm không phải là thuyết phục Tổng thống Zelensky mà là thuyết phục người dân Ukraine”, ông nói, đồng thời lưu ý đến sự ủng hộ lâu dài của công chúng đối với mục tiêu giải phóng hoàn toàn đất nước.

Một đề xuất hòa bình không được lòng dân có thể đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của Zelensky, “dù có bầu cử hay không bầu cử”, Vajdich nói thêm.

Ukraine không thể tiếp tục cuộc chiến nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Richard Haass và Charles Kupchan, của tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã viết trên tạp chí Foreign Affairs trong tháng này, rằng mùa đông thì sắp đến và mùa hè với Ukraine lại đáng thất vọng, nên phải thúc đẩy “sự cần thiết đánh giá lại toàn diện chiến lược hiện tại mà Ukraine và các đối tác đang theo đuổi”.

Cả hai đều nói với Newsweek rằng cả Mỹ và Ukraine đều chưa đạt đến điểm đó. “Cuộc tranh luận công khai rộng rãi hơn đã quá chậm trễ và là cần thiết”, theo Kupchan. “Chúng ta đang ở trong một môi trường chính trị mà việc trò chuyện kiểu này gần như là điều cấm kỵ.”

“Đó là một tình huống nguy hiểm,” ông nói thêm. “Đó là cách mà các cuộc chiến tranh diễn ra không ngừng nghỉ. Chiến lược tốt không chỉ là điều mong muốn mà còn là điều có thể thực hiện được.”

Haass đề xuất “một định nghĩa tạm thời về thành công”, một định nghĩa tạm dừng thay vì từ bỏ mục tiêu giải phóng hoàn toàn lãnh thổ. “Có thể phải đợi nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ để đạt được định nghĩa lớn hơn về thành công”, ông giải thích. “Điều đó có lẽ phải đợi đến sự xuất hiện của một lãnh đạo hậu Putin, hoặc một lãnh đạo hậu của hậu Putin.”

“Việc giải phóng hoàn toàn khó có thể đạt được do tình trạng cân bằng quân sự hai bên”, Haass đánh giá. “Bây giờ chúng ta đã trải qua hai mùa chiến đấu. Tôi không thấy có cơ sở để nói rằng liệu bạn có mùa thứ ba, thứ tư hay thứ năm thì có thể đạt được mục tiêu đó hay không.”

“Tôi nghĩ điều cần thiết để Ukraine tồn tại là Nga phải nản chí. Và tình hình hiện tại mà tôi mô tả là một chiến thắng chiến lược cho Ukraine và phương Tây. Đó không phải là tất cả, nhưng là rất nhiều. Và nó không loại trừ khả năng xảy ra nhiều hơn nữa”.

Chính quyền Biden không có dấu hiệu bỏ rơi Kyiv, bất chấp môi trường khó khăn gần hai năm sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga. “Chính quyền Biden đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”, Haass nhận xét.

Có một số người “đồng cảm với những gì tôi vừa trình bày, nhưng không muốn chính quyền Biden bị coi là có mục đích trái ngược với Ukraine”, ông nói thêm.

Hai người lính Ukraine tại Quảng trường Maidan, Kyiv, Ukraine, vào ngày 22 tháng 11 năm 2023. ẢNH: LIBEROV/LIBKOS/GETTY

 “Luôn là một chủ đề khó xử khi bạn không đồng ý với một đồng minh về các mục tiêu chính sách,” Haass nói,đồng thời cảnh báo rằng các xu hướng địa chính trị rộng lớn hơn không nhất thiết có lợi cho Ukraine. “Tôi cho rằng chúng ta nên làm điều này ngay bây giờ từ thế mạnh và tôi cho rằng Ukraine nên làm điều đó ngay bây giờ từ thế mạnh.”

Theo Kupchan, cảm giác ở D.C. (chính phủ Mỹ) là “Zelensky chưa sẵn sàng bắt đầu chuyển sang một chiến lược nhằm chấm dứt chiến tranh. Nếu người Ukraine chưa sẵn sàng cho cuộc đối thoại này, thì phương Tây sẽ không áp đặt nó cho họ.”

 “Tôi đoán là đằng sau những cánh cửa đóng kín sẽ có một cuộc bàn thảo về cách kết thúc chiến tranh, về một loạt các mục tiêu khả thi  cho cuộc chiến và về vai trò của ngoại giao”, ông nói thêm. “Nhưng tôi không nghĩ bạn sẽ thấy cuộc bàn thảo đó được công khai, cho đến khi có cảm giác rằng chính người Ukraine đã sẵn sàng tổ chức cuộc bàn thảo đó.”

 “Không thể tránh khỏi việc chính người Ukraine bắt đầu giải quyết câu hỏi ‘chúng ta phải làm gì bây giờ?’”, Kupchan nói. “Có lẽ, ở một thời điểm nào đó, sẽ hợp lý hơn khi Ukraine đầu tư các nguồn lực mà họ nhận được từ phương Tây vào việc phòng thủ và tái thiết 82% lãnh thổ Ukraine dưới sự kiểm soát của Kiev.”

Kế hoạch hậu Putin

Người Ukraine sẽ không có thiện cảm với việc các đối tác phương Tây thúc giục đầu hàng ở mức độ nào đó, ngay cả khi chỉ trong ngắn hạn. Kyiv được cho là đã phải hứng chịu hơn 100.000 thương vong trong gần hai năm giao tranh và thêm hàng chục nghìn người khác trong cuộc chiến ở cường độ thấp hơn với Moscow và các con rối ly khai kể từ năm 2014.

Người Ukraine bị tổn thương bởi sự thất bại chung của phương Tây trong việc buộc Putin phải chịu trách nhiệm vào năm 2014, hoặc thực hiện các đảm bảo an ninh được đưa ra cho Ukraine trong Giác thư Budapest năm 1997, theo đó Kyiv từ bỏ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô. Rất ít người Ukraine muốn cho phép nhà độc tài Nga chiếm giữ chiến lợi phẩm của một đợt xâm lược khác nữa.

Người Ukraina thấy rõ sự khó chịu ngày càng tăng của phương Tây. “Có lẽ đó là một dấu hiệu cho chúng tôi, cho người Ukraine rằng chúng tôi phải thảo luận thêm một vài lựa chọn về cách ngăn chặn cuộc chiến này, không chỉ để đạt được lãnh thổ năm 1991 của chúng tôi – mà hiện nay, rất khó để đạt được điều đó”, theo Ivan Stupak, một cựu quan chức cấp cao trong Cơ quan An ninh Ukraine và hiện là cố vấn cho ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của quốc hội Ukraine — khi trao đổi với Newsweek. “Có lẽ [có] một điểm ở giữa.”

Nhưng sự thiếu tin tưởng giữa hai bên vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. “Người Nga không bao giờ giữ lời hứa”, Stupak nói. “Làm thế nào để chúng ta buộc Liên bang Nga giữ lời?”

Kupchan thừa nhận rằng “nhược điểm” của cách tiếp cận được đề xuất của ông “là bạn để cho, ít nhất là vào lúc này, Nga thoát khỏi sự trừng phạt vì hành động xâm lược và xâm chiếm lãnh thổ trắng trợn. Và điều đó gửi một thông điệp khủng khiếp đến thế giới về pháp quyền và sự thiêng liêng của chủ quyền.”

Tuy nhiên, ông nói thêm, không phải tất cả đều tốt cho Điện Kremlin. “Nga đã phải chịu một thất bại chiến lược sâu sắc”, Kupchan nói. “Putin đã mất Ukraine. Chúng tôi biết điều đó. Và bây giờ câu hỏi đặt ra là liệu ông ta có nhận được phần thưởng an ủi khi nắm giữ một phần lãnh thổ Ukraine hay không.”

Binh sĩ Ukraine vận hành pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard gần Kyiv vào ngày 23/11/2023. ẢNH: KOSTYA LIBEROV/ LIBKOS/GETTY

Cả Haass và Kupchan đều là thành viên của một nhóm, được cho là đã tham gia các cuộc đàm phán kênh sau-không công khai với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào đầu năm nay. Haass nhận định: “Tôi nghĩ, vào lúc này, cuộc trò chuyện của Nga dựa trên giả định rằng mọi thứ đang diễn ra theo đúng đường hướng chính trị của họ”.

“Họ thấy các xu hướng dân túy, họ thấy các cuộc thăm dò dư luận ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ chiến lược của Putin tóm lại là ‘Hãy xem mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào trong một năm nữa’”, ông nói thêm. “Tôi cho rằng ông ấy đang thắp nến cầu nguyện cho chiến thắng của Trump.”

Kupchan cho rằng Ukraine và phương Tây, giống như Putin, nên cân nhắc “cuộc chơi lâu dài”.

“Bạn khiến cuộc chiến kết thúc, bạn đưa Ukraine trở lại con đường thịnh vượng, sau đó bạn đợi Putin ra đi và bạn hy vọng một ngày trên bàn đàm phán, Nga sẽ trao lại lãnh thổ cho Ukraine.

“Kết quả đó có nằm trong tầm mắt không? Không. Nhưng có bao nhiêu người vào năm 1985 lại tin rằng Estonia, Lithuania và Latvia sẽ là những nền dân chủ độc lập và là thành viên của NATO? Không ai cả.

“Mọi người đều nói về việc Putin chờ đợi Ukraine và phương Tây thúc thủ. Tôi nghĩ chúng tôi đã lật ngược tình thế. Chúng tôi chờ đợi ông ấy.”



3 bình luận cho “339. Mỹ có thực sự muốn Ukraine thắng Nga hay không?”

  1. […] 339. Mỹ có thực sự muốn Ukraine thắng Nga hay không? […]

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia